Lượt xem: 1041

Ngành Thú y Sóc Trăng đóng góp tích cực trong phát triển tỉ trọng chăn nuôi

Bên cạnh con tôm, cây lúa được xác định là cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh thì thời gian qua, lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Sóc Trăng cũng có sự phát triển lớn mạnh về số lượng, mang đến nguồn thu ổn định cho người dân khu vực nông thôn. Với số lượng đàn không ngừng phát triển qua từng năm, công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đặt ra nhiều áp lực lớn cho cán bộ chăn nuôi và thú y từ cấp tỉnh đến cơ sở. Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ngành Chăn nuôi và Thú y đã luôn “gần dân, sát cơ sở”, trở thành nguồn lực quan trọng góp phần duy trì và phát triển bền vững tỉ trọng chăn nuôi của tỉnh nhà.

 


Kiểm tra điều kiện kinh doanh thuốc thú y

 

    Công chức, viên chức, người lao động công tác trong lĩnh vực quản lý của Chi cục Chăn nuôi và Thú y luôn đối mặt với nhiều gian nan, thách thức, bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm. Nhưng, với lòng yêu nghề, đội ngũ cán bộ thú y tỉnh Sóc Trăng đã khẳng định được bản lĩnh vững vàng, luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để từng ngày làm tốt nhất nhiệm vụ được giao là phòng, chống dịch bệnh động vật.

    Từ chỗ chữa bệnh và dập dịch là chính, đến nay Chi cục Chăn nuôi và Thú y có khả năng chẩn đoán, phòng ngừa, dự báo, cảnh báo, giám sát dịch tễ một số dịch bệnh nguy hiểm trên tôm, gia súc và gia cầm. Hằng năm, thực hiện tiêm phòng đạt bình quân khoảng 420.000 liều vaccine trên gia súc và khoảng 07 triệu liều trên gia cầm, trên 35.000 liều vaccine bệnh dại. Đã thiết lập được hệ thống thông tin dịch tễ; kiểm dịch động vật, thực hiện kiểm dịch gốc; phun tiêu độc sát trùng khoảng trên 50.000 phương tiện vận chuyển, thực hiện các đợt tiêu độc khử trùng định kỳ và khẩn cấp khoảng trên 10.000 lít hoá chất trên hàng triệu m2 diện tích ở những khu vực có nguy cơ cao. Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Hưng Phú, huyện Cù Lao Dung - Trần Quang Cần chia sẻ: “Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng thường xuyên xuống vùng nuôi để lấy mẫu giám sát, phân tích các dịch bệnh đã, đang và sẽ có nguy cơ xảy ra tại ao nuôi tôm, từ đó đưa ra những cảnh báo chính xác, kịp thời. Nhờ vậy mà tình hình thiệt hại trên tôm nuôi giảm hơn qua từng năm”.

    Để đảm bảo không xảy ra tình trạng thịt động vật nhiễm bệnh lưu thông trên thị trường, Chi cục đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú ý đối với các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. Từ chỗ giết mổ manh mún, nhỏ lẻ, toàn tỉnh có gần 212 điểm; đến nay hệ thống giết mổ cơ bản đã hoàn chỉnh; hiện tại toàn tỉnh có 25 lò tập trung và 48 điểm giết mổ có sự kiểm soát. Các điểm buôn bán sản phẩm động vật tại các chợ trung tâm đầu mối đều đạt yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định của Cục Thú y. Hơn 95% sản phẩm động vật tiêu thụ đều được kiểm tra. Trong nhiều năm, toàn tỉnh chưa có trường hợp ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm động vật nào được ghi nhận.  Bà Nguyễn Thị Giàu – tiểu thương sạp thịt, Chợ Trung tâm thành phố Sóc Trăng cho biết: “Tôi kinh doanh thịt heo ở chợ này gần chục năm nay. Bên Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở buôn bán thịt phải rõ nguồn gốc. Tôi ý thức rõ nên đảm bảo thịt bán tại chợ là nguồn thịt sạch, có giấy kiểm dịch động vật đầy đủ”.

    Từ công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, cơ quan chuyên môn đánh giá được chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trang trại hở không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y là những nguyên nhân chính làm phát sinh dịch bệnh.  Ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi, các công ty, doanh nghiệp nên mạnh dạn chuyển đổi và phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại kín, trại công nghệ cao, chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Theo đó, cán bộ Trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; kiểm soát an toàn dịch bệnh thông qua hoạt động chuyển giao khoa học, công nghệ; mở các lớp tập huấn, hội thảo, đào tạo, thực hiện các dự án, mô hình điểm; chỉ đạo các phòng, trạm trực tiếp hướng dẫn để người dân được tiếp cận kỹ thuật mới nhiều nhất và trực tiếp nhất.


Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm sản phẩm thịt động vật

 

    Niềm an ủi lớn lao cho sự phát triển chăn nuôi nói chung và nhiệm vụ của người làm công tác thú y nói riêng là ý thức người chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến tích cực, không còn xảy ra trường hợp giấu dịch, chủ động khai báo khi vật nuôi có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm. Nhờ vậy, công tác thú y ngày càng đi vào nề nếp, góp phần quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh và gia tăng số lượng đầu con gia súc, gia cầm, từng bước phát triển chăn nuôi bền vững-hiệu quả. Thạc sĩ Lâm Minh Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Trên cơ sở những kết quả đạt được, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tập trung tăng cường năng lực cho cán bộ thú y các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Từng bước áp dụng các biện pháp phòng, trị bệnh tiên tiến để giảm thiệt hại lớn trong chăn nuôi, đồng thời tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Quán triệt sâu rộng Luật Thú y, Luật Chăn nuôi trong nhân dân, nâng cao ý thức phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản và phát triển chăn nuôi. Thực hiện có hiệu quả và áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành để tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý nhanh gọn, triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh không để lây lan trên diện rộng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào chăn nuôi, lựa chọn những công nghệ phù hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh. Bên cạnh đó, quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao nhân lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng đòi hỏi của công việc trong tình hình mới”.

    Thành công lớn nhất ghi dấu sự nỗ lực của ngành Thú y Sóc Trăng trong suốt thời gian qua là đã khẳng định được vai trò nòng cốt của mình trong quá trình phát triển chăn nuôi của tỉnh, không chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên động vật để bảo vệ an toàn thành quả sản xuất của bà con chăn nuôi.  Tất cả là tiền đề quan trọng để Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành chăn nuôi tỉnh nhà theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 54
  • Hôm nay: 8134
  • Trong tuần: 78,841
  • Tất cả: 11,802,161